Bối cảnh Vụ án phố Ôn Như Hầu

Tháng 8 năm 1945, ngay sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng đồng minh, Việt Minh thực hiện cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám giành chính quyền trên cả nước, buộc lực lượng quân quản Nhật và chính quyền các địa phương của Đế quốc Việt Nam-một trong các chính quyền bù nhìn của Nhật tại Đông Dương phải bàn giao quyền lực. Các đảng phái khác theo chủ nghĩa quốc gia như Đại Việt, Việt Nam Quốc dân đảng (ủng hộ Trung Hoa Dân quốc)... cũng nổi dậy ở một số nơi để tranh giành quyền lãnh đạo nước Việt Nam độc lập với Việt Minh nhưng không thành công do không có sự ủng hộ của quần chúng nhân dân.[7][cần số trang] Đế quốc Việt Nam không chống lại các lực lượng này mà chấp nhận chuyển giao quyền lực trong hòa bình.[cần dẫn nguồn] Thời điểm này, Việt Minh có những xung đột quân sự với Đại Việt, Việt Nam Quốc dân đảng tại một số địa phương ở miền Bắc do các lực lượng này chủ trương ủng hộ thực dân Pháp quay lại tái xâm lược Việt Nam.[7] Sau khi Việt Minh giành chính quyền từ tay chính quyền Đế quốc Việt Nam, một bù nhìn của Nhật tại nhiều địa phương, vua Bảo Đại cũng chấp nhận thoái vị; ngày 2 tháng 9 năm 1945, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại quảng trường Ba Đình.

Chính phủ mới của Việt Nam còn rất non yếu và phải đối diện với nhiều khó khăn. Theo sử gia Trần Trọng Kim thì khi được hỏi về công việc, bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã nói với ông: "Bây giờ việc gì cũng do địa phương tự trị cả, thành ra không có việc gì mấy, và khi có việc gì, thì họ làm sẵn xong cả rồi, tôi chỉ có vài chữ ký mà thôi".[8] Theo Nguyễn Duy Thanh thì "Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội chẳng hạn chẳng có việc gì làm, đi xin việc ở một nhà máy của Nhà nước. Sắc lệnh đầu tiên và cuối cùng của Bộ trưởng Nội vụ buộc phải ký là quy định mọi công dân ra khỏi nhà phải mang theo giấy thông hành.".[9]

Khi 20 vạn quân Trung Hoa Quốc dân Đảng (quân Tưởng Giới Thạch) vào Việt Nam giải giáp vũ khí quân Nhật theo sự phân công của phe đồng minh, bộ phận hải ngoại ở Trung Quốc của Việt Nam Quốc dân đảng cũng theo quân Tưởng về Việt Nam.[10] Lực lượng quân đội Trung Hoa Dân Quốc mang theo kế hoạch "Diệt Cộng cầm Hồ" của Tưởng Giới Thạch, nhằm ủng hộ các đảng phái quốc gia thành lập một chính phủ thân Trung Hoa Quốc dân Đảng tại Việt Nam. Để tránh xung đột với 20 vạn quân Tưởng, trong khi không đủ sức nắm toàn bộ chính quyền, Chính phủ Cách mạng Lâm thời đồng ý thiết lập một chính phủ liên hiệp lâm thời, trong đó có sự tham gia của Việt Nam Quốc dân Đảng được quân Tưởng hậu thuẫn.

Hai phe tự xưng là đối lập trong Chính phủ là Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội (Việt Cách) không tham gia bầu cử nhưng để phục vụ mục tiêu hòa hợp dân tộc, Việt Minh vẫn để hai đảng này có ghế trong quốc hội. Qua trung gian của tướng Trương Phát Khuê (tư lệnh quân đội Trung hoa Quốc dân đảng tại Việt Nam), Chính phủ Cách mạng Lâm thời tạm thời hòa giải với các lực lượng khác. Trong kỳ họp thứ nhất Quốc hội đã đồng ý nhượng thêm 70 ghế và 4 bộ (Ngoại giao, Kinh tế, Xã hội và Canh nông) mà không thông qua bầu cử cho các phái này theo thỏa thuận ngày 24 tháng 12 năm 1945 giữa Chính phủ Cách mạng Lâm thời và hai lực lượng này tại Đại sứ quán Trung Hoa. Nhận định về việc này, Võ Nguyên Giáp cho rằng Việt Quốc và Việt Cách hiểu rõ một cuộc tuyển cử công bằng sẽ không có lợi cho họ.[11]

Trên thực tế khi cuộc bầu cử Quốc hội khóa I diễn ra, các đảng này còn phát động tẩy chay bầu cử với tuyên truyền rằng: trúng cử chỉ là Việt Minh cộng sản... chính quyền trong tay nên Việt Minh muốn ai trúng cũng được[12] đồng thời tổ chức các cuộc tuần hành, bắc loa hô hào kêu gọi tẩy chay bầu cử.[12] Theo báo Sự thật thì Việt Quốc, Việt Cách thậm chí bắt cóc, giết những ứng cử viên, đảng viên cộng sản, cán bộ Việt Minh (tiêu biểu là Trần Đình Long[13]) hay thủ tiêu những người cùng tổ chức có cảm tình với Chính phủ như Bồ Xuân Luật.[14] Ngay trong ngày bỏ phiếu vẫn có các sự việc chống đối xảy ra: Trong ngày tổng tuyển cử, Việt Nam Quốc dân Đảng mang tiểu liên đến Ngũ Xã ngăn không cho đặt hòm phiếu, cấm người dân treo cờ. Người dân Ngũ Xã kéo sang khu phố Nguyễn Thái Học gần đó để bỏ phiếu.[15]

Tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký kết "Hiệp định Sơ bộ" với Pháp, cho phép quân Pháp tiến ra miền Bắc Việt Nam, thay thế quân Trung Quốc Quốc dân Đảng, vốn là lực lượng ủng hộ Việt Nam quốc dân Đảng. Ngày 31 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng rời Việt Nam đến Paris để thương lượng về tình hình Việt Nam, Võ Nguyên Giáp ở lại lãnh đạo lực lượng an ninh Việt Minh.[16] Ngày 29-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 82-SL về việc ủy nhiệm Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay Chủ tịch Chính phủ đi vắng, ký công văn hàng ngày và chủ toạ họp Hội đồng Chính phủ.[17] Theo Sắc lệnh số 23/SL của Chính phủ ngày 21 tháng 3 năm 1946, Việt Nam Công an vụ là cơ quan thuộc Bộ Nội vụ, như vậy theo quy định luật pháp thì thẩm quyền chỉ đạo lực lượng công an nằm trong tay của phó chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng.

Sự hiện diện của quân Trung Quốc đã bảo đảm sự tồn tại của Việt Nam quốc dân Đảng và Đồng Minh hội, nhưng họ không thể cạnh tranh được với Việt Minh trên phương diện lãnh đạo, cảm tình của nhân dân và tuyên truyền tập hợp quần chúng. Ngày 19 tháng 6, báo Cứu Quốc của Việt Minh đăng một bài xã luận lên án mạnh mẽ "bọn phản động phá hoại" hiệp định ngày 6 tháng 3. Ngay sau khi quân đội Tưởng Giới Thạch rút về nước, Võ Nguyên Giáp hối hả hành động ngay. Mục tiêu rải khắp nơi: Việt Quốc, Việt Cách, Đồng minh hội (được Tưởng Giới Thạch ủng hộ), Đại Việt (thân Phát xít Nhật), những người Trotskyist, lực lượng chính trị mang tên "chiến sĩ Công giáo"... Võ Nguyên Giáp trấn áp tất cả các đảng phái này bằng lực lượng công an và quân đội do Việt Minh kiểm soát với sự giúp đỡ của nhà cầm quyền Pháp. Ông cũng sử dụng các sĩ quan Nhật Bản tình nguyện phục vụ Việt Minh do có chung mục tiêu "chống bọn da trắng" và một số vũ khí do Pháp cung cấp cho chiến dịch này.[3] Một trong những sự kiện nổi tiếng nhất trong chiến dịch trấn áp các đảng phái đối lập là vụ án phố Ôn Như Hầu.

Lực lượng trinh sát thuộc Nha Công an đã điều tra Việt Quốc, Việt Cách; phát hiện các tổ chức này câu kết với Pháp dự định lật đổ chính phủ, bắt cóc, tra tấn, giết người, tàng trữ vũ khí, in truyền đơn chống chính phủ... Sau khi báo cáo và được sự đồng ý của Trường Chinh, Hội trưởng Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương, đã tiến hành bao vậy, khám xét tại các trụ sở của Việt Quốc, Việt Cách.

Việt Nam Quốc dân Đảng và sử gia người Mỹ Cecil B. Currey cho rằng: với sự trợ giúp của quân Pháp, chính Võ Nguyên Giáp là người đã chỉ huy lực lượng công an và quân đội khám xét và bắt giữ các thành phần chống đối.[3][4] Theo nhà sử học người Mỹ Cecil B. Currey, ngày 15 tháng 6, Võ Nguyên Giáp bắt đầu chỉ huy lực lượng an ninh khám xét các tổ chức có thể đe dọa đến Chính phủ.[16]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vụ án phố Ôn Như Hầu http://books.google.com/books?id=ERi3BNd9qN0C&pg=P... http://books.google.com/books?id=MauWlUjuWNsC&pg=P... http://www.questia.com/PM.qst?a=o&d=9269443 http://www.vietquoc.org/modules.php?name=News&file... http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu... http://cand.com.vn/Guong-sang/Pha-vu-an-On-Nhu-Hau... http://cand.com.vn/Hoat-dong-LL-CAND/Vu-an-On-Nhu-... http://books.google.com.vn/books?id=noDel6BsmcYC&p... http://vanhoanghean.com.vn/thu-vien/lich-su-van-ho... http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1427&Chitiet=...